Trung tâm Tiền tiến sỹ thuộc trường Đại học Hà Nội

21/08/2011 | 4919 Lượt xem

Để thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định số 335/QĐ-BGDĐT ra ngày 21 tháng 01 năm 2008 về việc Giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học, cao đẳng trước khi cử đi làm Nghiên cứu sinh tại nước ngoài, Trường Đại học Hà Nội chỉ định Trung tâm Giáo dục Quốc tế là một đơn vị của Trường chịu trách nhiệm làm đầu mối liên hệ và tổ chức các hoạt động liên quan.

Nhiệm vụ cụ thể:
    • Thực hiện các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ cho các học viên đủ trình độ ngôn ngữ để tham gia các khóa học Thạc sỹ và Tiến sỹ tại nước ngoài.
  • Bồi dưỡng kiến thức, các kỹ năng và phương pháp nghiên cứu, viết và trình bày tiểu luận, luận án, kỹ năng khai hồ sơ đi học nước ngoài.
  • Bồi dưỡng tư tưởng, chính trị; các kỹ năng mềm (soft skills), các kỹ năng sống, sinh hoạt và học tập; và các hoạt động định hướng cho nghiên cứu sinh trước khi ra nước ngoài học tập.


Khả năng đào tạo:

  • Trường Đại học Hà Nội (tiền thân là Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) là trường đại học công lập với bề dày 50 năm kinh nghiệm bổ túc, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho LHS, TTS và NCS đi học nước ngoài, có khả năng đào tạo các ngôn ngữ nước ngoài như: Anh, Nga, Trung, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Ba Lan, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Séc, Slo-vak, Ru-ma-ni, Thái, Ả Rập, v.v.
  • Đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường Đại học Hà Nội gồm trên 400 người có khả năng tham gia bồi dưỡng, đào tạo các khóa học các ngôn ngữ nước ngoài theo yêu cầu. Ngoài các giáo viên dạy tiếng là người Việt, còn có các giáo viên bản ngữ đến từ các nước khác nhau như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc, ... tham gia giảng dạy tại trường và các khóa học tiếng.
  • Các giáo viên trong trường đã tham gia các khóa học tập, tập huấn tại các nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và cách thức sinh hoạt, nghiên cứu và học tập tại nước ngoài; và họ có thể hướng dẫn cách tìm tòi và xin học bổng, cách khai hồ sơ, cách tiếp cận học bổng toàn phần không chỉ của Chính phủ Việt Nam mà còn học bổng của các nước khác.
  • Đội ngũ giáo viên đến từ các nước có thể tham gia trong các buổi học chuyên đề về lịch sử, văn hóa, giáo dục của các nước; đặc biệt là kiến thức và các bài nói chuyện về phương pháp sống, học tập và nghiên cứu tại nước ngoài. Lực lượng sinh viên nước ngoài cũng có thể được mời đến tham gia vào các buổi học chuyên đề này.
  • Các giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị của Trường Đại học Hà Nội có đủ năng lực và kiến thức tham gia giảng dạy và bồi dưỡng tư tưởng, chính trị và định hướng cho học viên trước khi ra nước ngoài sống và học tập.

Cơ sở vật chất:
Trung tâm Giáo dục Quốc tế được kế thừa các trang thiết bị đầu tư tại tòa nhà D6 trong khuôn viên trường Đại học Hà Nội. Đây là nơi bổ túc ngoại ngữ cho học viên đi học theo chương trình học bổng của Chính phủ Ôxtrâylia (ADS) theo thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Ôxtrâylia. Sau khi thoả thuận kết thúc, Dự án ADS đã bàn giao cơ sở vật chất lại cho Nhà trường. Từ khi được thành lập, Trung tâm được Nhà trường không ngừng đầu tư thêm các thiết bị mới, hiện đại phục vụ cho các khóa học tiếng. Cơ sở vật chất trong Trung tâm có thể được cụ thể như sau:

  • Tòa nhà 4 tầng với sân có mái che rộng, cây xanh và cây cảnh được bố trí hợp lý với hệ thống bàn và ghế thích hợp cho học viên thư giãn, nghỉ ngơi và trao đổi theo nhóm.
  • Tầng 1 là Phòng Học liệu với nguồn tài liệu phong phú gồm các loại sách, sách truyện, báo và tạp chí bằng tiếng Anh; các loại sách, băng hình, băng từ, đĩa CDs phục vụ cho học viên tự học, tự nghiên cứu. Đây là loại hình Thư viện mở và phục vụ bạn đọc liên tục từ 7h00 đến 18h00 hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy. Trong Phòng Học liệu có 3 phòng học và trao đổi theo nhóm, có 2 phòng máy tính kết nối mạng, và rất nhiều máy tính và chỗ ngồi để bạn đọc làm việc riêng lẻ.
  • Tầng 2 được bố trí là Khu vực hành chính, là nơi điều hành và làm việc của cán bộ Trung tâm. Tại đây còn có 1 phòng máy tính với 31 máy trạm được kết nối mạng và phục vụ tốt cho việc học các chương trình đào tạo trực tuyến, và có 1 phòng học tiếng với 60 máy luyện nghe và nói.
  • Tầng 3 và tầng 4 bao gồm 16 phòng học riêng biệt phục vụ cùng lúc cho 25 học viên/phòng. Một số phòng học có thể bỏ vách ngăn để phục vụ cho lớp học có 50 học viên.
  • Tất cả các phòng trong trung tâm đều được trang bị điều hòa nhiệt độ, các phòng học đều có hệ thống nghe nhìn như TV, đầu CD và máy chiếu projector.
  • Tầng 5 của tòa nhà có mái ngói che được bố trí một hệ thống bàn ghế tiện nghi cho việc tổ chức các cuộc liên hoan, họp mặt, tổng kết,...
  • Đặc biệt, trong khuôn viên Trung tâm có bố trí hệ thống máy nổ (standby generator) phục vụ các hoạt động của Trung tâm khi bị cắt điện.

Ngoài cơ sở vật chất trong Trung tâm, các học viên được quyền khai thác tài liệu và tư liệu tại Trung Tâm Thông tin Thư viện (T4TV) - một hệ thống thư viện mở hiện đại của khu vực, và được học tại các hệ thống hội trường và giảng đường với các trang thiết bị hiện đại trong trường.
Từ năm 2002 đến nay, Trường Đại học Hà Nội đã tổ chức thành công các khoá bổ túc, nâng cao trình độ tiếng Anh cho hàng trăm TTS, NCS đi học các nước sử dụng tiếng Anh. Riêng trong năm 2008, trường Đại học Hà Nội đã tổ chức và triển khai thành công các khóa học ngoại ngữ phục vụ học viên Đề án 322: tiếng Anh (10 tuần), tiếng Đức (12 tuần) và tiếng Trung Quốc (16 tuần).

Địa chỉ liên hệ:
Trung tâm Giáo dục Quốc tế - IEC
Nhà D6, Trường Đại học Hà Nội
Km 9 đường Nguyễn Trãi
Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT: (04) 854 4338
http://www.hanu.edu.vn