Ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Belarus

16/06/2023 | 728 Lượt xem

Sáng 16/6, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Giáo dục nước Cộng hoà Belarus, ngài Ivanets Andrei Ivanovich. Tại đây, hai bên đã ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.

Chào mừng Bộ trưởng Giáo dục nước Cộng hoà Belarus và đoàn công tác đến thăm, làm việc, trao đổi và ký kết thoả thuận hợp tác tại Bộ GDĐT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định “Chúng tôi coi đây là sự kiện quan trọng trong hợp tác quốc tế của Bộ GDĐT”. Bộ trưởng chúc đoàn công tác có những ngày lưu trú đáng nhớ tại Việt Nam với kết quả làm việc tốt đẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich và các thành viên hai bên tại buổi Hội đàm

Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác có lịch sử lâu dài và bền chặt giữa Việt Nam và Belarus, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá chuyến thăm này của ngài Ivanets Andrei Ivanovich sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của hai nước nói riêng.

Chia sẻ vui mừng được đến làm việc tại Bộ GDĐT, Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich bày tỏ cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ GDĐT Việt Nam dành cho đoàn.

Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Belarus được thiết lập vào năm 1992, song quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có trước đó 30 năm. Theo Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich, mặc dù sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển mối quan hệ hợp tác này sâu sắc hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn tại buổi Hội đàm

“Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong đào tạo từ bậc cử nhân, tới thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi sinh viên, giảng viên giữa hai nước” Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich nói và bày tỏ hy vọng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ là điểm sáng trong hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Trước đó, ngày 15/6, nhân chuyến thăm, làm việc của Bộ trưởng Giáo dục nước Cộng hoà Belarus tại Việt Nam, Ngày giáo dục Belarus đã được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham dự của 8 trường đại học Belarus và sinh viên đến từ 30 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tại đây đã có 10 thoả thuận hợp tác giữa các trường đại học hai bên được ký kết.

Đánh giá cao sự kiện Ngày giáo dục Belarus tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Hợp tác giữa 2 Bộ Giáo dục phải đươc bắt đầu và triển khai trong thực tế từ các trường đại học. Việc nhiều văn bản hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học được ký kết có ý nghĩa quan trọng, đó mới là sự vận hành thực tế của sự hợp tác.

Bộ trưởng Giáo dục nước Cộng hoà Belarus Ivanets Andrei Ivanovich tại buổi Hội đàm

Bộ trưởng mong muốn thời gian tới, các trường khi triển khai nội dung thỏa thuận  sẽ có nhiều hơn các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên hai nước giao lưu, trao đổi. Ngoài trao đổi giảng viên và sinh viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học cũng là lĩnh vực rất cần thúc đẩy giữa hai bên, bởi Belarus có thế mạnh về lĩnh vực khoa học, công nghệ, đây lại là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu phát triển trong thời gian tới.

Theo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Belarus về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, hai bên sẽ hợp tác trao đổi kinh nghiệm theo các hướng phát triển quan trọng nhất của hệ thống giáo dục; đồng thực hiện các nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học sư phạm mà hai bên quan tâm; đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ, thực tập khoa học, đào tạo lại cho cán bộ giáo dục; trao đổi chuyên gia nhằm hoàn thiện công tác giảng dạy.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Ivanets Andrei Ivanovich ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Belarus trong linh vực giáo dục và đào tạo

Hai bên thúc đẩy xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai Bên, và xuất phát từ lợi ích chung, các cơ sở giáo dục đại học này có thể ký kết các thỏa thuận hợp tác riêng, phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này và pháp luật của mỗi bên.

Trong thời gian hiệu lực của Hiệp định, hai bên hàng năm thực hiện trao đổi tương đương tối đa 15 lưu học sinh để học toàn khóa. Hai bên hàng năm gửi đi số lượng tối đa 5 cán bộ giảng dạy của các cơ sở giáo dục đại học sang các cơ sở giáo dục của bên nhận để bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

Trung tâm Truyền thông giáo dục