Ngày 4/6, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc trực tuyến với Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc gửi lời cảm ơn Bộ Giáo dục Singapore đã có những hỗ trợ, giúp đỡ quý báu đối với giáo dục Việt Nam thông qua việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục, ký kết giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Chan Chun Sing vào tháng 8/2023.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đại diện một số đơn vị tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhân dịp ông đảm nhiệm cương vị Thủ tướng thứ 4 của Singapore. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hợp tác giữa hai nước trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong đó, một số nội dung chính được triển khai, đó là: Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ và công chức Việt Nam; Việt Nam coi trọng việc đào tạo một thế hệ mới các kỹ sư công nghệ, trong đó có công nghệ bán dẫn, AI, phân tích số liệu…
“Từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến đào tạo được từ 50.000 - 100.000 kỹ sư chất lượng cao ngành chip bán dẫn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Singapore trong lĩnh vực này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Giới thiệu về Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030, Thứ trưởng đề nghị NUS quan tâm cùng phối hợp triển khai chương trình này để các giảng viên Việt Nam có thể sang học tập, nghiên cứu tại NUS và trở về đóng góp cho các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi tại buổi làm việc
Chia sẻ về những đổi mới trong quản lý giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay, trong đó, tự chủ đại học đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực…, Thứ trưởng mong muốn NUS sẽ có nhiều hợp tác hiệu quả hơn nữa với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Cảm ơn những hỗ trợ của Bộ GDĐT Việt Nam, Giáo sư Aaron Thean, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: Thời gian qua, NUS đã triển khai hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có chương trình hợp tác đưa sinh viên Việt Nam sang tiếp tục học đại học tại NUS.
Giáo sư Aaron Thean cũng bày tỏ ủng hộ chương trình tiếp nhận các giảng viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại NUS và các cán bộ công chức Việt Nam sang học tập tại Trường Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu.
Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore đề xuất 2 mô hình khác có thể triển khai với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Giáo sư Aaron Thean, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và các thành viên trao đổi trực tuyến tại buổi làm việc
Một là, hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam xây dựng những phòng thí nghiệm đặc biệt cho ngành công nghiệp bán dẫn, mang những mô hình chip bán dẫn sang phòng thí nghiệm tại Việt Nam để lắp ráp; các giảng viên Việt Nam sau khi được đào tạo tại NUS sẽ về nước làm việc và sử dụng những phòng thí nghiệm này để tiếp tục đào tạo cho sinh viên Việt Nam.
Hai là, xây dựng học liệu, tài liệu giảng dạy riêng để phù hợp với việc đào tạo tại Việt Nam.
Cảm ơn và hoan nghênh những đề xuất của NUS, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đang xây dựng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Do đó, việc NUS đề xuất hỗ trợ các trường tại Việt Nam xây dựng học liệu, tài liệu giảng dạy riêng là rất phù hợp.
Chia sẻ về chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về lĩnh vực giáo dục của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng đề nghị NUS nghiên cứu và tiếp tục có nhiều hợp tác giáo dục hơn nữa với Việt Nam để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT cũng đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo đó, hai bên trao đổi về kết quả PISA Việt Nam năm 2022 do OECD công bố, so sánh kết quả trên phạm vi quốc tế; định hướng triển khai hợp tác nghiên cứu về phúc lợi cho người học, trường học hạnh phúc, hoạch định chính sách giáo dục phù hợp và hiệu quả trong tương lai.
|
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện