Thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Ba Lan

28/03/2024 | 755 Lượt xem

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc cùng đại diện Cục Hợp tác Quốc tế đã có buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam, ngài Aleksander Surdej.

Chào mừng Đại sứ Aleksander Surdej tới làm việc với Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc gửi lời chúc mừng Đại sứ bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào tháng 10/2023 và chúc ngài có nhiệm kỳ công tác thành công tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Đại sứ Aleksander Surdej và thành viên hai bên tại buổi tiếp

Thứ trưởng đánh giá cao kết quả đạt được trong hợp tác giáo dục hai nước thời gian qua. Nhờ hợp tác đào tạo được thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, đến nay, hàng ngàn công dân Việt Nam (khoảng 4000 kỹ sư, nhà khoa học và trên 3500 công nhân lành nghề) đã được đào tạo tại Ba Lan. Trở về nước, đây là nguồn nhân lực quý giá, được đào tạo bài bản, có tay nghề, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Họ đồng thời cũng là cầu nối hữu nghị khăng khít giữa hai dân tộc.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Chính phủ và nhân dân Ba Lan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chất lượng và trình độ cao cho Việt Nam trong suốt chiều dài hơn 70 năm hợp tác”, Thứ trưởng bày tỏ.

Nhấn mạnh năm 2025 hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm (1950-2025) thiết lập quan hệ ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin tưởng rằng, hai nước sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm ở tất cả các lĩnh vực một cách có ý nghĩa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tại buổi tiếp

Cảm ơn Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đã dành thời gian tiếp đón, ngài Aleksander Surdej cho biết: Về công tác đào tạo nhân lực và trao đổi học bổng, trong các năm vừa qua, phía Việt Nam đều đã cử sinh viên, nghiên cứu sinh sang Ba Lan học tập để đào tạo trình độ cao, phía Ba Lan cũng gửi sinh viên sang Việt Nam, đều là thực tập sinh thực tập tiếng ngắn hạn.

Hiện tại có 113 du học sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Ba Lan (trong đó có 39 Tiến sĩ, 24 Thạc sĩ và 50 sinh viên đại học). Các trường đại học của Ba Lan luôn mở cửa cho sinh viên Việt Nam, và còn nhiều chương trình học bổng (như Chương trình học bổng Stefan BanachProgram, Erasmus…) tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam sang học tại Ba Lan, cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học hai nước.

“Như các thỏa thuận trước đó, chúng tôi mong muốn cả hai bên cùng tạo điều kiện khôi phục và phát triển việc dạy tiếng Ba Lan tại Việt Nam và dạy tiếng Việt tại Ba Lan, thúc đẩy việc hợp tác về du học giữa hai nước”, ngài Aleksander Surdej chia sẻ.

Đại sứ Aleksander Surdej tại buổi tiếp

Hiện Việt Nam và Ba Lan đang thực hiện hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2017-2022, tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi cấp học bổng hàng năm; hợp tác song phương về trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên của các trường đại học; tăng cường giáo lưu văn hóa, giảng dạy ngôn ngữ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong muốn, phía Ba Lan và cá nhân ngài Đại sứ quan tâm, thúc đẩy một số nội dung triển khai trong thời gian tới như: Tiếp tục duy trì hợp tác trong khuôn khổ văn bản hợp tác đang hiệu lực; đề nghị xem xét đàm phán ký kết Hiệp định song phương về công nhận tương đương các văn bằng về giáo dục; tiếp tục thúc đẩy giao lưu, phát triển công tác giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Ba Lan và tiếng Ba Lan và văn hóa Ba Lan tại Việt Nam.

Đặc biệt, hiện tại Ba Lan đang hoàn thành thủ tục nội bộ và sẽ thông báo cho phía Việt Nam ý kiến để tiến tới xem xét, ký kết Hiệp định hợp tác giáo dục mới trong thời gian phù hợp. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hai nước tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhiều tiềm năng này.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện