Thông báo tuyển sinh đi học tại Bê-la-rút năm 2014

05/05/2014 | 4320 Lượt xem
1. Số lượng học bổng và chế độ học bổng
Tổng số có 11 học bổng, bao gồm 02 học bổng đào tạo trình độ đại học, 04 học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ và 05 học bổng thực tập chuyên ngành.
Thời gian đào tạo: chương trình đại học (cử nhân hoặc kỹ sư, chuyên gia): 05-6 năm học (bao gồm 01 năm học dự bị tiếng), chương trình tiến sĩ: 03 năm (trường hợp ứng viên chưa biết tiếng Bê-la-rút hoặc tiếng Nga thì ứng viên phải tự thu xếp học phí 01 năm học dự bị tiếng); chương trình thực tập sinh: từ 06 tháng đến 01 năm. Dự kiến ứng viên trúng tuyển sẽ lên đường đi học trong tháng 9 hoặc tháng 10/2014.
Chính phủ Bê-la-rút miễn học phí và cấp học bổng hàng tháng theo mức quy định của Chính phủ Bê-la-rút đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định; Chính phủ Việt Nam cấp: vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng cho toàn khóa học theo chế độ hiện hành.
2. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
2.1. Điều kiện chung
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
- Đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài. Khi nhập học và định kỳ hằng năm phía Bê-la-rút sẽ tổ chức khám lại sức khỏe. Trường hợp bị phát hiện có bệnh, không đủ sức khỏe do giả mạo hồ sơ để đi học sẽ phải về nước và tự chịu mọi chi phí liên quan, kể cả vé máy bay và phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước;
- Ngành học đăng ký dự tuyển phải phù hợp với ngành đã/đang học đại học/sau đại học, công việc đang làm; Trong quá trình dự tuyển và sau khi trúng tuyển ứng viên không được phép tự ý thay đổi ngành học;
- Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo sự điều động của Nhà nước (cam kết của người đã đi làm phải được cơ quan công tác xác nhận, bảo lãnh; cam kết của người chưa đi làm phải có ý kiến bảo lãnh của gia đình). Những người không hoàn thành chương trình đào tạo, tự bỏ học, bị buộc thôi học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về nước phục vụ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí cho ngân sách Nhà nước;
- Chưa được tuyển chọn cho các chương trình học bổng khác để đi học tại nước ngoài trong năm 2014;
- Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật.
2.2. Đối tượng và điều kiện dự tuyển học bổng đại học
- Sinh viên năm thứ nhất các trường đại học Việt Nam (hệ chính quy tập trung) thỏa mãn các điều kiện chung quy định tại mục 2.1 và có điểm trung bình học tập các năm trung học phổ thông, kết quả học kỳ I năm thứ nhất đại học đạt từ 7,5 trở lên;
- Ưu tiên ứng viên có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện, nghiên cứu khoa học, đạt các giải thưởng quốc tế, khu vực và quốc gia, ứng viên có bố/mẹ đẻ là liệt sĩ, thương binh, người dân tộc, ứng viên học trung học phổ thông tại các địa phương thuộc diện khó khăn cần ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực để trở về phục vụ tại địa phương, ứng viên được đề cử đi học theo nhu cầu đào tạo của các cơ quan nhà nước sẽ tuyển dụng lưu học sinh sau khi tốt nghiệp về nước.
2.3. Đối tượng và điều kiện dự tuyển học bổng tiến sĩ
Cán bộ đang công tác tại các cơ quan nhà nước (biên chế hoặc hợp đồng dài hạn từ 12 tháng trở lên có thâm niên công tác tối thiểu 06 tháng kể từ khi có hợp đồng lao động đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển), học viên mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Bê-la-rút năm 2013, 2014 thỏa mãn các điều kiện chung quy định tại mục 2.1. và các điều kiện cụ thể như sau:
- Không quá 40 tuổi đối với ứng viên học bổng tiến sĩ, 50 tuổi đối với ứng viên học bổng thực tập chuyên ngành (tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển);
- Ứng viên là cán bộ dự tuyển học bổng tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp trình độ đại học, thạc sĩ với kết quả học tập đạt từ 7,0 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương); ứng viên mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Bê-la-rút đăng ký học chuyển tiếp sinh tiến sĩ phải có kết quả học tập ở đại học và thạc sĩ loại xuất sắc (bằng đỏ);
- Chỉ có ứng viên là cán bộ giảng dạy đại học được dự tuyển học bổng thực tập sinh các ngành khoa học với điều kiện ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học hệ đào tạo 5 năm trở lên hoặc đã có bằng thạc sĩ, tiến sĩ;
- Ưu tiên ứng viên có thành tích nghiên cứu khoa học (thể hiện qua các bài báo đăng trên tạp chí khoa học hoặc báo cáo tại hội nghị khoa học cấp trường trở lên và được đăng trong kỷ yếu hội nghị hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp Bộ trở lên và đề tài đó đã được nghiệm thu hoặc sử dụng) và ứng viên có văn bản tiếp nhận đào tạo của cơ sở đào tạo Bê-la-rút.
3. Hồ sơ dự tuyển
3.1. Hồ sơ dự tuyển học bổng đại học
3.1.1. Hồ sơ bằng tiếng Việt
Ứng viên nộp 01 bộ hồ sơ tiếng Việt để sơ tuyển gồm các giấy tờ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy và xếp thứ tự như sau (các bản sao có xác nhận hợp lệ bởi cơ quan có thẩm quyền):
a) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu tại Phụ lục 1);
b) Bản cam kết nghĩa vụ của lưu học sinh được cử đi học nước ngoài có ý kiến bảo lãnh của gia đình (theo mẫu tại Phụ lục 2);
c) Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của UBND phường, xã hoặc của trường đại học đang theo học;
d) Bản sao giấy khai sinh (đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số);
đ) Bản sao hộ khẩu thường trú (đối với ứng viên thuộc đối tượng ưu tiên vùng, miền theo Quy chế tuyển sinh đại học hiện hành);
e) Bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời nếu chưa được cấp bằng);
g) Bản sao học bạ trung học phổ thông;
h) Bản sao giấy chứng nhận được tuyển thẳng hoặc phiếu báo trúng tuyển có ghi điểm thi đại học;
i) Bản sao bảng điểm học kỳ I năm thứ nhất đại học;
k) Bản sao giấy tờ chứng nhận các giải thưởng quốc tế, quốc gia hoặc tỉnh, thành phố (nếu có) hoặc các bằng khen, giấy khen… (nếu có);
l) Bản sao giấy chứng nhận con liệt sĩ hoặc bản sao thẻ thương binh của bố/mẹ đẻ (nếu có);
m) Giấy khám sức khỏe của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, thành phố trong đó xác nhận đủ điều kiện đi học nước ngoài (có thể tham khảo và sử dụng mẫu tại Phụ lục 6);
n) Bản photocopy hóa đơn, chứng từ về việc nộp lệ phí dự tuyển theo quy định tại thông báo tuyển sinh;
o) Bản photocopy hộ chiếu phổ thông;
p) Các giấy tờ khác (nếu có).
3.1.2. Hồ sơ bằng tiếng Nga
Ứng viên nộp 02 bộ hồ sơ bằng tiếng Nga gồm các giấy tờ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy và xếp thứ tự như sau (lưu ý: bản dịch hợp lệ sang tiếng Nga là bản dịch được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền gồm đầy đủ các trang dịch đính kèm theo các trang giấy tờ bằng tiếng Việt có đóng dấu giáp lai):
a) Đơn đăng ký dự tuyển bằng tiếng Nga theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 có dán ảnh, kê khai đầy đủ các mục và ký tên;
b) Bản dịch hợp lệ sang tiếng Nga bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời;
c) Bản dịch hợp lệ sang tiếng Nga học bạ trung học phổ thông;
d) Bản dịch hợp lệ giấy khai sinh sang tiếng Nga;
đ) Giấy khám sức khỏe (ghi bằng tiếng Nga hoặc dịch hợp lệ sang tiếng Nga, có thể tham khảo và sử dụng mẫu tại Phụ lục 6);
e) Giấy xét nghiệm không bị nhiễm virút HIV do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (ghi bằng tiếng Nga, Anh hoặc dịch hợp lệ sang tiếng Nga, có thể tham khảo và sử dụng mẫu tại Phụ lục 6);
g) Bản dịch hợp lệ trang hộ chiếu phổ thông có ảnh và các thông tin chi tiết của cá nhân sang tiếng Nga (hộ chiếu phải còn hạn sử dụng tối thiểu đến ngày 01/7/2016)
3.2. Hồ sơ dự tuyển học bổng tiến sĩ, thực tập sinh
3.2.1. Hồ sơ bằng tiếng Việt
Ứng viên nộp 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt gồm các giấy tờ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy và xếp thứ tự như sau (các bản sao có xác nhận hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền):
a) Công văn của cơ quan cử dự tuyển (đối với cán bộ đang công tác);
b) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu tại Phụ lục 4);
c) Bản sao các hợp đồng làm việc, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển công tác; sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của cơ quan đang công tác; sổ bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan công tác và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận (đối với cán bộ chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội, theo mẫu tại Phụ lục 5);
d) Bản cam kết nghĩa vụ của lưu học sinh được cử đi học nước ngoài. Cam kết của người đã đi làm phải được cơ quan công tác xác nhận, bảo lãnh; cam kết của người chưa đi làm phải có ý kiến bảo lãnh của gia đình (theo mẫu tại Phụ lục 2);
đ) Bản sao giấy khai sinh (đối với ứng viên là người dân tộc thiểu số);
e) Tóm tắt đề tài chuẩn bị nghiên cứu (đối với ứng viên học bổng tiến sĩ), nội dung thực tập (đối với ứng viên học bổng thực tập) trong khoảng 1-2 trang giấy khổ A4;
g) Bản sao bằng tốt nghiệp, bảng điểm tất cả các năm học đại học và sau đại học;
h) Danh mục các công trình nghiên cứu đã được công bố hoặc giấy công nhận công trình nghiên cứu có xác nhận của cơ quan có thầm quyền (nếu có);
i) Bản sao chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Nga và các tiếng khác (nếu có);
k) Văn bản của cơ sở đào tạo tại Bê-la-rút đồng ý tiếp nhận đào tạo (nếu có, đối với ứng viên tiến sĩ. Riêng các trường hợp học viên đăng ký chuyển tiếp sinh bắt buộc phải có văn bản này);
l) Giấy khám sức khỏe của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, thành phố trong đó xác nhận đủ điều kiện đi học nước ngoài (có thể tham khảo và sử dụng mẫu tại Phụ lục 6);
m) Bản photocopy hóa đơn, chứng từ về việc nộp lệ phí dự tuyển theo quy định tại thông báo tuyển sinh;
n) Bản photocopy hộ chiếu phổ thông;
o) Các giấy tờ khác (nếu có).
3.2.2. Hồ sơ bằng tiếng Nga
Ứng viên nộp 02 bộ hồ sơ bằng tiếng Nga gồm các giấy tờ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy và xếp thứ tự như sau (lưu ý: bản dịch hợp lệ sang tiếng Nga là bản dịch được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền gồm đầy đủ các trang dịch đính kèm theo các trang giấy tờ bằng tiếng Việt có đóng dấu giáp lai):
a) Đơn đăng ký dự tuyển bằng tiếng Nga theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 có dán ảnh, kê khai đầy đủ các mục và ký tên;
b) Tóm tắt đề tài chuẩn bị nghiên cứu, nội dung thực tập viết bằng tiếng Nga trong khoảng 1-2 trang giấy khổ A4;
c) Bản dịch hợp lệ sang tiếng Nga bằng tốt nghiệp, bảng điểm tất cả các năm học đại học và sau đại học;
d) Văn bản của cơ sở đào tạo tại Bê-la-rút đồng ý tiếp nhận đào tạo (nếu có, đối với ứng viên tiến sĩ. Riêng các trường hợp học viên đăng ký chuyển tiếp sinh bắt buộc phải có văn bản này);
đ) Danh mục công trình nghiên cứu được công bố, hoạt động nghiên cứu khoa học đã tham gia (nếu có) làm bằng tiếng Nga hoặc được dịch hợp lệ sang tiếng Nga;
e) Bản dịch giấy khai sinh sang tiếng Nga;
g) Giấy khám sức khỏe (ghi bằng tiếng Nga hoặc dịch hợp lệ sang tiếng Nga, có thể tham khảo và sử dụng mẫu tại Phụ lục 6);
h) Giấy xét nghiệm không bị nhiễm virút HIV do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (ghi bằng tiếng Nga, Anh hoặc dịch hợp lệ sang tiếng Nga);
i) Bản dịch hợp lệ trang hộ chiếu phổ thông có ảnh và các thông tin chi tiết của cá nhân sang tiếng Nga (hộ chiếu phải còn hạn sử dụng tối thiểu đến ngày 01/7/2016).

Sau khi hoàn thành hồ sơ dự tuyển, ứng viên phải quét (scan) lưu lại toàn bộ hồ sơ tiếng Việt sang các files định dạng PDF (mỗi loại tài liệu quét thành 01 file riêng dung lượng không qua 1 MB) để đăng ký trực tuyến theo địa chỉ https://tuyensinh.vied.vn/ và đồng thời chuyển toàn bộ bản chính hồ sơ dự tuyển theo hình thức chuyển phát bảo đảm hoặc nộp trực tiếp trong giờ hành chính tại trụ sở Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ sơ cần đựng trong túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, mặt ngoài ghi đầy đủ thông tin chi tiết theo mẫu quy định đối với hồ sơ dự tuyển học bổng diện Hiệp định đi Bê-la-rút năm 2014 (Phụ lục 7).
Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ và số lượng bộ hồ sơ tiếng Việt và tiếng Nga quy định ở trên, được nôp trong thời hạn quy định của Thông báo tuyển sinh (bao gồm cả hồ sơ online và hồ sơ giấy) và đã nộp lệ phí tuyển sinh theo quy định. (Xem thêm thông tin, các mẫu văn bản liên quan tại các websites: www.moet.gov.vn hoặc www.vied.vn; liên hệ hỗ trợ kỹ thuật khi đăng ký dự tuyển theo địa chỉ[email protected], [email protected]).
Thời hạn nhận hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến hoặc sổ theo dõi nhận hồ sơ của Cục Đào tạo với nước ngoài): Trước ngày 02/5/2014. Các trường hợp hồ sơ nộp sau thời hạn quy định sẽ chỉ được xem xét nếu còn chỉ tiêu học bổng và phía Bê-la-rút đồng ý xem xét tiếp hồ sơ bổ sung.
4. Lệ phí dự tuyển: 200.000đ/người cần được chuyển đến Cục Đào tạo với nước ngoài (ĐTVNN) trước ngày 02/5/2014 theo một trong các cách sau đây:
• Trực tiếp đến nộp hồ sơ và lệ phí dự tuyển tại Văn phòng Cục ĐTVNN.
Địa chỉ: 21 Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• Chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN theo chi tiết sau:
Tên đơn vị: Cục Đào tạo với nước ngoài
Số tài khoản: 0021002145014
Tại: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Nội.
Lưu ý: Khi chuyển tiền vào tài khoản của Cục ĐTVNN đề nghị ghi rõ họ và tên ứng viên, trình độ đăng ký dự tuyển (ĐH, TS, TTS) nộp lệ phí dự tuyển học bổng đi Bê-la-rút theo thông báo tuyển sinh số 10 /TB-ĐTVNN ngày 18 /4/2014.
Hồ sơ nộp muộn và không đúng các quy định nêu trên là không hợp lệ và không được xét tuyển. Người khai hồ sơ dự tuyển không đúng và người xác nhận sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo không trả lại hồ sơ và lệ phí dự tuyển trong bất kỳ trường hợp nào.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét ứng viên dự tuyển có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định và trên cơ sở kết quả học tập, nghiên cứu của ứng viên, nhu cầu đào tạo, các tiêu chí ưu tiên của phía Việt Nam và Bê-la-rút để lựa chọn từ cao xuống thấp, sơ tuyển đủ số lượng ứng viên cần thiết gửi đi Bê-la-rút đàm phán học bổng. Ứng viên được Bộ Giáo dục Bê-la-rút duyệt cấp học bổng mới thuộc diện trúng tuyển và sẽ được Cục Đào tạo với nước ngoài thông báo, hướng dẫn, giải quyết thủ tục liên quan tiếp theo để đi học tại Bê-la-rút.
Những trường hợp được phía Bê-la-rút tiếp nhận không thuộc chương trình học bổng trên, không dự tuyển qua Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thông báo tuyển sinh này và không có tên trong quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học tại Bê-la-rút sẽ không được cấp bù học bổng của Chính phủ Việt Nam.
Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho ứng viên có đủ điều kiện cần thiết được tham gia dự tuyển đúng thời hạn quy định./.
Tải tệp đính kèm tại đây.