Liên Hợp Quốc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành Giáo dục Việt Nam

16/03/2023 | 672 Lượt xem

Sáng 16/3, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Cùng tham gia có ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam; bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam; bà Amanda Mindus, cán bộ điều phối và bảo trợ xã hội của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi tiếp

Tại buổi làm việc, bà Pauline Tamesis cho biết: Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã ký Văn kiện Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững (CF) cho giai đoạn 2022-2026. Theo đó, khung hợp tác đề ra 4 kết quả phát triển chính: Phát triển xã hội bao trùm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; chống chịu thiên tai và bền vững môi trường; Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế; Quản trị và tiếp cận công lý. Giáo dục là lĩnh vực có thể thúc đẩy, giúp hiện thực hóa 4 kết quả phát triển nói trên.

Từ đó, bà Pauline Tamesis bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về những ưu tiên và trở ngại của ngành Giáo dục đã và đang phải đối mặt, để từ đó có thể đồng hành, hỗ trợ tốt nhất.

Nhấn mạnh tầm quan trọng và sự quan tâm của Bộ GDĐT trong quan hệ hợp tác với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc trong nhiều hoạt động giáo dục thời gian qua. Những ủng hộ này thể hiện qua triển khai các dự án, những gói hỗ trợ và nhiều hoạt động khác.

Về những ưu tiên và thách thức của giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng thông tin: Thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm mang tính chiến lược rất cao trong thay đổi nền giáo dục. Nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi theo hướng hội nhập mạnh hơn theo thông lệ quốc tế và tìm mọi con đường để nâng cao chất lượng. Sự thay đổi lớn này ở cả 4 hệ thống: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và xây dựng xã hội học tập. Các hợp phần đang được thực hiện với thời gian, kế hoạch khác nhau.

Bà Pauline Tamesis Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trao đổi tại buổi tiếp

Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ sự điều chỉnh ở hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục đại học - đây là hai việc rất lớn, đầy thử thách. Với giáo dục mầm non, Việt Nam đang thiết kế một chương trình giáo dục mầm non mới. Tiến hành đổi mới ở nhiều phạm vi như vậy, nên giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.

Thách thức đầu tiên, theo chia sẻ của Bộ trưởng, là sự kiến tạo một hệ thống hạ tầng cho giáo dục, bao gồm từ trường học, các thiết bị phục vụ dạy học, tài chính cho giáo dục và các hệ thống khác… Với sự gia tăng khá nhanh số lượng trẻ em, gia tăng nhu cầu học tập và nhu cầu về tăng chất lượng, áp lực về gia tăng cơ sở học tập đặt ra khá gay gắt. Với giáo dục đại học, trừ một số cơ sở giáo dục được đầu tư tập trung, nhiều trường đại học khác đang trong tình trạng thiếu thốn các điều kiện hoạt động.

Thách thức thứ hai là lực lượng giáo viên. Dù đây là vấn đề toàn cầu, không chỉ của Việt Nam, nhưng để phục vụ nâng cao chất lượng dạy học và bảo đảm nhu cầu học tập của trẻ em, đội ngũ giáo viên Việt Nam hiện đang vừa thiếu về số lượng, vừa cần gia tăng chất lượng, điều chỉnh cơ cấu.

Thách thức thứ ba được Bộ trưởng chia sẻ liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục. Giáo dục Việt Nam xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để thay đổi nền giáo dục; tuy nhiên việc triển khai gặp cản trở bởi sự thiếu hụt về hạ tầng, đặc biệt là ở khu vực vùng khó khăn, vùng núi cao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp

Cuối cùng là thách thức khi Việt Nam vừa phải bảo đảm phát triển giáo dục nói chung, vừa phải bảo đảm sự công bằng trong giáo dục. Đó là công bằng giữa các nhóm đối tượng, đặc biệt ở khu vực khó khăn với khu vực kinh tế phát triển; công bằng giữa nhóm công và tư; giữa những nhóm người có thu nhập khác nhau; bảo đảm công bằng trong giáo dục với trẻ em mà cha mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp; bảo đảm công bằng cho nhóm đối tượng cần được thụ hưởng giáo dục một cách đặc biệt…

Bày tỏ mong muốn Liên Hợp Quốc và các tổ chức của Liên Hợp Quốc có những hỗ trợ giúp giáo dục Việt Nam vượt qua các thách thức nói trên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cần được hỗ trợ về một số vấn đề mang tính chuyên môn và theo chiều sâu. Trong đó có hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên vùng khó khăn; hỗ trợ trong việc điều chỉnh về chính sách, các khảo sát đánh giá về chính sách…

Với những thông tin từ Bộ trưởng, bà Pauline Tamesis cho biết giữa Bộ GDĐT, Liên Hợp Quốc có mối quan tâm chung và thể hiện tinh thần ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành dành với ngành Giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đại diện tổ chức Unesco, Unicef tại Việt Nam cũng có những trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cụ thể mà các tổ chức này quan tâm, đã hỗ trợ và mong muốn hỗ trợ giáo dục Việt Nam. 

Trung tâm Truyền thông giáo dục