Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp Bộ trưởng Giáo dục Bhutan, Thứ trưởng Giáo dục Colombia, Giám đốc SEAMEO

05/07/2019 | 849 Lượt xem

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có buổi tiếp ông Jar Bir Rai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan; bà Constansza Liliana Alarcón Párraga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Columbia và bà Dr. Ethel Valenzuela, Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO nhân dịp các ông bà tới Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019.

 

Đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục Việt Nam - Bhutan

Tại các buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chào mừng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan;Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia; Giám đốc Ban Ban Thư ký SEAMEO nhân dịp các ông bà tới Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019. Đồng thời chia sẻ một số thành tựu quan trọng trong quá trình đổi mới của giáo dục Việt Nam thời gian qua.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan Jar Bir Rai

Thứ trưởng bày tỏ sự ấn tượng với nền giáo dục của đất nước Bhutan, đó là giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà giáo dục giúp cho trẻ em có được "cuộc sống hạnh phúc".  “Đây là mục tiêu giáo dục mà Việt Nam cũng đã và đang hướng tới” - Thứ trưởng nói.

Để quan hệ hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Bhutan từng bước chặt chẽ và có hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề xuất khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Giáo dục của hai nước trong thời gian tới.

Chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vì đã phối hợp với UNESCO tổ chức thành công Diễn đàn giáo dục vì Phát triển bền vững và công dân toàn cầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan đồng thời bày tỏ sự ấn tượng với quá trình đổi mới và phát triển của giáo dục của Việt Nam.

Chia sẻ về mô hình "green school" được áp dụng tại các trường học Bhutan, ông Jar Bir Rai cho biết, mô hình này dạy trẻ có trách nhiệm với bản thân, với hành động của mình và những người xung quanh, giúp cho các em có được cuộc sống hạnh phúc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bhutan nhất trí với khả năng ký thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Bhutan, trong đó hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau, vì Việt Nam có kinh nghiệm trong đào tạo kỹ thuật và Bhutan có kinh nghiệm về giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Bhutan cũng trân trọng gửi lời mời lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tới thăm, tìm hiểu đất nước, con người và nền giáo dục Bhutan trong thời gian tới.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đổi mới giáo dục

Chia sẻ với Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Constansza Liliana Alarcón Párraga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia cho biết, giáo dục Colombia đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức do đất nước trải qua thời gian dài nội chiến và sức ép di dân từ đất nước Venezuela.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng quà lưu niệm cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia Constansza Liliana Alarcón Párraga

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp…” - Bà Constansza Liliana Alarcón Párraga chia sẻ.

Bà Constansza Liliana Alarcón Párraga cũng đề xuất trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cử một đoàn công tác sang Colombia để có thể thảo luận sâu hơn nữa, chia sẻ những thách thức, khó khăn và trao đổi nhiều bài học kinh nghiệm giáo dục giữa hai nước. “Colombia sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã đạt được cùng mong muốn học hỏi những bài học thực tiễn từ phía Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Colombia bày tỏ.

Thông tin về từng vấn đề cụ thể mà bà Constansza Liliana Alarcón Párraga quan tâm như giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của Việt Nam, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của Việt Nam thời gian qua, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được Việt Nam áp dụng từ năm học 2020-2021… Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, Việt Nam đang tiến hành đổi mới giáo dục và luôn mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các nước, trong đó có Colombia.

“Tôi hy vọng các chuyên gia của Việt Nam sẽ có dịp trực tiếp sang Colombia nói riêng và châu Mỹ Latinh nói chung để học hỏi kinh nghiệm giáo dục từ các nước bạn. Về phía Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với Colombia những kinh nghiệm đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

Tại Việt Nam, bà Constansza Liliana Alarcón Párraga cùng đoàn công tác Bộ Giáo dục Colombia đã có chuyến thăm và làm việc tại Bắc Ninh, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, tìm hiểu chính sách giáo dục của địa phương và việc triển khai chương trình VNEN; thăm một số trường mầm non trên địa bàn.

Xem xét đề xuất thành lập Trung tâm khu vực của SEAMEO tại Hà Nội

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có cuộc tiếp bà Dr. Ethel Valenzuela, Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO. Tại đây, Thứ trưởng đã cập nhật về tình hình hoạt động của 2 Trung tâm SEAMEO RETRAC và SEAMEO CELLL. Đồng thời, chia sẻ một số hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi với bà Dr. Ethel Valenzuela, Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cải tổ lại trung tâm Celll, giúp kết nối trung tâm với các hội khuyến học, các tổ chức quốc tế để trung tâm hoạt động hiệu quả, năng động hơn.

Tại buổi tiếp, bà Dr. Ethel Valenzuela đã trình bày với Thứ trưởng Nguyễn Văn phúc về đề xuất thành lập Trung tâm khu vực của SEAMEO về đánh giá chất lượng giáo dục tại Hà Nội. Theo bà Dr. Ethel Valenzuela, Việt Nam đạt thành tích ấn tượng trong đánh giá kết quả PISA, vì vậy, sau khi nghiên cứu tại nhiều nước, SEAMEO nhận thấy Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và sẽ phù hợp nhất cho việc mở trung tâm này.

“Hiện tại SEAMEO đang triển khai chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (The Southeast Asia Primary Learning Metrics - SEA PLM). Tuy nhiên kinh nghiệm của các nước không nhiều trong lĩnh vực này, SEAMEO rất cần sự chia sẻ, hướng dẫn của Việt Nam để có thể thực hiện hiệu quả hơn chương trình” - Bà Dr. Ethel Valenzuela cho hay.

Ghi nhận đề xuất của Giám đốc Ban Thư ký SEAMEO, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ nghiên cứu đề xuất này và tiếp tục thảo luận sâu hơn tại kỳ họp Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 50 được tổ chức tại Malaysia cuối tháng 7 này.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục