Hợp tác giữa Việt Nam với các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo

17/12/2019 | 7382 Lượt xem

Ngày 12/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại Hội nghị quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm; thảo luận các lĩnh vực ưu tiên và phương thức hợp tác của Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, viện nghiên  cứu và các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Cơ quan hợp tác phát triển và doanh nghiệp nước ngoài. Tại Hội thảo, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bài phát biểu về tình hình hoạt động và kết quả hợp tác phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 2014 – 2018 cũng như một số khó khăn, thuận lợi trong công tác triển khai chương trình, dự án, phương thức hợp tác giữa các Tổ chức PCPNN và Việt Nam đề xuất một số ưu tiên chính trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.


Hội thảo chuyên đề giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại Hội nghị quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Hiện nay, cả nước có 500 Tổ chức PCPNN, trong đó có 28 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Năm 2018, Việt Nam đã nhận được khoản viện trợ PCPNN gần 277 triệu đô la Mỹ, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực y tế, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và xây dựng năng lực.

Từ năm 2014 – 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 50 chương trình, dự án PCPNN với nguồn viện trợ 17,5 triệu đô la Mỹ. Tuy giá trị viện trợ PCPNN trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn khá khiêm tốn, các địa phương và đơn vị thụ hưởng đánh giá nguồn viện trợ PCPNN đã mang lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích đề ra, cụ thể là tăng cường chất lượng giáo dục trên cơ sở cung cấp một số trang thiết bị, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, các chương trình học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Tiến Dũng đã nêu một số thách thức trong việc thu hút, huy động viện trợ từ các tổ chức PCPNN cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong bối cảnh Việt Nam đã thoát nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình, không còn là đối tượng ưu tiên tiếp nhận viện trợ PCPNN như trước. Nhiều lĩnh vực mới nảy sinh có nhu cầu cần hỗ trợ như giáo dục kỹ năng mềm, an ninh, an toàn trường học… Các hoạt động trao đổi thông tin, xúc tiến hợp tác với các Tổ chức PCPNN còn hạn chế.
Tại Hội thảo, các Tổ chức PCPNN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã bày tỏ một số khó khăn về chính sách của Chính phủ Việt Nam ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, triển khai dự án và bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giúp đỡ trong việc kết nối với các địa phương, các cơ sở giáo dục nhằm thiết lập sự hợp tác, tin tưởng trong quá trình khảo sát, triển khai thực hiện dự án.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Tổ chức PCPNN đồng thời sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban tổ chức PCPNN để cập nhật thông tin nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ PCPNN đồng thời xây dựng danh mục cụ thể trong công tác vận động viện trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

CỤC HỢP TÁC QUỐC TẾ