Tổ chức quốc tế Pháp ngữ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam dạy học tiếng Pháp

04/11/2020 | 1472 Lượt xem

Chiều 04/11, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đã tiếp đón và làm việc với ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp và làm việc với Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Chékou Oussouman

Tại buổi làm việc, ông Chékou Oussouman bày tỏ, OIF luôn đồng hành với các chương trình dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam. Để triển khai những hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, học sinh, sinh viên, giáo viên cần được tăng cường năng lực tiếng Pháp.

Trưởng đại diện OIF thông tin, ngoài những hoạt động mang tính hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức còn có đội ngũ giáo viên ở các trường làm nghiên cứu về GDĐT, và nghiên cứu rất nhiều khía cạnh học và đào tạo tiếng Pháp. Thành quả nghiên cứu chất lượng có thể sử dụng, mở rộng, về phương pháp, phương tiện dạy học hiệu quả,…

Đồng thời, Hội nghị khoa học các vùng diễn ra 2 năm một lần, thu hút hàng trăm tình nguyện viên từ các nơi đến. Với mong muốn chia sẻ và cùng thảo luận về các nghiên cứu, OIF sẽ sớm thông tin về sự kiện này năm 2021 tới Bộ GDĐT.

Cảm ơn những hỗ trợ thiết thực của OIF và Trung tâm CREFAP trong thời gian qua, như tập huấn giáo viên tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, hỗ trợ các trường giảng dạy tiếng Pháp…, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam, Pháp và cộng đồng quốc tế đã và đang có những kết nối tốt đẹp.

Hoan nghênh các đề xuất của ông Chékou Oussouman, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GDĐT sẵn sàng phối hợp với Tổ chức OIF để triển khai các hợp tác thiết thực như trên trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng, Bộ GDĐT đã xây dựng các chương trình giảng dạy tiếng Pháp và có các tài liệu dạy học cả trực tiếp và trực tuyến để giáo viên, học sinh thuận tiện tiếp cận. Trong chương trình GDPT mới đã được Bộ ban hành, tiếng Pháp cũng là một ngoại ngữ được tiếp tục giảng dạy và đã tiến hành xây dựng SGK để học sinh có thể học tiếng Pháp ngoại ngữ 2.

Trong năm 2020, Bộ GDĐT xây dựng chương trình giáo dục tiếng Pháp ngoại ngữ 1, đào tạo hệ 10 năm từ lớp 3 lên lớp 12. Dự kiến theo kế hoạch, công việc này sẽ hoàn thành vào cuối năm để tiến hành thẩm định và trình lãnh đạo Bộ GDĐT phê duyệt chương trình giáo dục tiếng Pháp ngoại ngữ 1.

Sau khi chương trình được phê duyệt, Việt Nam cần SGK để học sinh có thể học được. Quá trình này cần sự hỗ trợ của các tổ chức và xã hội hoá trong và ngoài nước. Vì vậy, đại diện Đề án đề nghị tiếp tục OIF hỗ trợ nhiệm vụ quan trọng này.

Khẳng định sẽ đồng hành với ngành Giáo dục Việt Nam và giới trẻ để các em có đủ kiến thức hội nhập nghề nghiệp, ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, để đáp ứng mục tiêu dạy học, việc tăng cường bồi dưỡng, tập huấn giáo viên giảng dạy tiếng Pháp và các môn bằng tiếng Pháp đặc biệt quan trọng.

Tới đây, Tổ chức OIF và Trung tâm CREFAP sẽ tham gia chương trình bồi dưỡng tiếng Pháp cho giáo viên. Tập huấn từ xa trong bối cảnh Covid-19 cho thấy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam tham gia rất tích cực. Do đó, công tác tập huấn trong tương lai sẽ kết hợp hình thức từ xa và trực tiếp.

Trưởng đại diện Chékou Oussouman khuyến nghị, khi có kế hoạch cụ thể về xây dựng sách giáo khoa tiếng Pháp, cải cách chương trình song ngữ,… Bộ GDĐT và OIF sẽ đề xuất cùng đại sứ quán và các tổ chức Pháp ngữ khác tổ chức sự kiện để Bộ GDĐT giới thiệu, cung cấp thông tin, đồng thời, kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các bên.

Về việc biên soạn sách giáo khoa tiếng Pháp, trước khi bắt tay xây dựng nội dung, ông Chékou Oussouman cho rằng, nên tìm hiểu những tư liệu có sẵn có thể tận dụng để tiết kiệm thời gian, công sức và làm nội dung phong phú hơn. OIF có thể hỗ trợ quá trình tìm hiểu này.

Bên cạnh đó, kênh truyền hình nói tiếng Pháp có một phần chương trình rất lớn dạy tiếng Pháp và các tài liệu, tư liệu hoàn toàn miễn phí. OIF mong muốn sẽ là cầu nối kết nối bộ phận sư phạm của đài với nhóm biên soạn sách giáo khoa để tận dụng phần nghe và hình ảnh của chương trình này làm tư liệu.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục