Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam

21/07/2020 | 3058 Lượt xem

Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện Đại sứ quán các nước hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo với Việt Nam và hơn 40 lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hàng đầu tại Việt Nam.

 

Giải pháp về học thuật, kinh tế và đặc biệt nhân văn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, những năm qua, Việt Nam rất quan tâm đến thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài. Chính phủ đã tập trung kiện toàn chính sách cho hoạt động này, thu hút các trường đại học xuất sắc vào Việt Nam. Bộ GDĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với nhiều quy định hợp lý.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc... Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết như thế nào trong giai đoạn đại dịch, nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt.

“Chúng ta không chỉ dừng lại ở nhu cầu của người học học, mà rộng hơn đáp ứng được yêu cầu của tất cả những người liên quan, người học, người dạy, phụ huynh. Thực tế nhiều phụ huynh hiện nay không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm mà muốn con có những quãng thời gian ở cùng gia đình - một chương trình đào tạo thỏa mãn được nhu cầu này là xu hướng tất yếu”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam thì sẽ quá hẹp. “Một mặt vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những chương trình liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và chương trình tốt nhất - đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam”.


Trong khuôn khổ Hội nghị,Trường ĐH VinUni và ĐH Cornell ký kết hợp tác chương trình “Study Away”

Khẳng định, Hội nghị là cơ hội để trao đổi, đề xuất và thúc đẩy các chính sách đã có về liên kết đào tạo quốc tế tới đây tốt hơn nữa, Bộ trưởng cho biết, những chương trình đã có tiếp tục củng cố, những chương trình chưa có sẽ mở rộng, đặc biệt ở những nơi du học sinh Việt Nam còn đang lúng túng khó khăn thì các em yên tâm khi về Việt Nam sẽ được học chương trình tương tự như tại các nước.

“Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam”, Bộ trưởng nhìn nhận, đồng thời  mong muốn đại diện các đại sứ sẽ cùng với Bộ GDĐT Việt Nam thúc đẩy chương trình quốc tế theo hướng đa chiều, đa bên.

Nhấn mạnh đến chất lượng các chương trình liên kết đào tạo, Bộ trưởng cho hay, thực hiện chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Việt Nam rất lưu ý đến chất lượng, kiểm định chất lượng. Bên cạnh những chương trình tốt không phải không có những chương trình chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật.

Thu hút đầu tư, hợp tác bằng minh bạch thông tin

Hội nghị ghi nhận đa dạng ý kiến thảo luận của đại diện Đại sứ quán và đề xuất của lãnh đạo các trường đại học tại Việt Nam, xoay quanh cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy giáo dục quốc tế.


Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, GS Raymond Gordon trao đổi tại Hội nghị

Đại diện Trường ĐH RMIT, Giám đốc Chiến lược và Đối ngoại Dương Hồng Loan bày tỏ: “Cảm ơn Bộ GDĐT đã thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận với hướng đi mới đáng khâm phục này”. Bà Dương Hồng Loan đề nghị, Chính phủ và Bộ GDĐT tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình công nhận bằng cấp, tín chỉ đồng thời tạo diễn đàn để hướng dẫn công khai thông tin cho học sinh, sinh viên về các hợp tác đào tạo giữa các trường.

Đánh giá cao hành lang pháp lý thông thoáng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn mong muốn, Bộ GDĐT sớm có giải pháp để các trường thuận tiện hơn khi xin cấp phép hội thảo, làm visa cho cán bộ, sinh viên, cũng như thúc đẩy quá trình nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài trở lại Việt Nam.

Theo GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni, hiện có nhiều cơ hội thu hút giáo sư nước ngoài đến Việt Nam làm việc, tạo cơ hội học tập, nghiên cứu tốt hơn cho học sinh, sinh viên. Đối với chương trình đào tạo, theo GS, cần xuất phát từ nhu cầu nhân lực, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.

Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, GS Raymond Gordon cũng cho rằng, rất nhiều đại học trên thế giới mong muốn hợp tác, đầu tư giáo dục tại Việt Nam. “Đại học Việt Nam hãy cẩn trọng, lựa chọn đối tác uy tín, thương hiệu. Đặc biệt, cần minh bạch về tất cả các chương trình đào tạo. Những môi trường đầu tư minh bạch sẽ thu hút các nhà đầu tư”, GS Raymond Gordon khẳng định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội lưu ý, các trường nên lựa chọn một vài đối tác chiến lược, đồng thời, tự phát triển thương hiệu để bình đẳng với đối tác. “Chỉ cạnh tranh và hợp tác bình đẳng, minh bạch mới phát triển bền vững được”, PGS Sơn khẳng định.


Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM Đỗ Văn Dũn

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM Đỗ Văn Dũng chia sẻ, quá trình hợp tác quốc tế đã đem lại nhiều kinh nghiệm, như phương pháp đánh giá, kiểm định chất lượng của các chương trình. Với chuẩn đầu ra tiếng Anh cao,  khả năng tự học, giải quyết vấn đề tốt, cử nhân chương trình đào tạo liên kết được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Để thúc đẩy liên thông đào tạo với nước ngoài, PGS Dũng khuyến nghị, nên có kế hoạch sử dụng tiếng Anh trong các chương trình đào tạo khác.

Đại diện Đại sứ quán Nhật và Đại sứ quán Mỹ cho biết, hàng năm đều tổ chức sự kiện hỗ trợ về giáo dục tại Việt Nam nhằm thu hút học sinh Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa các trường của hai nước. Theo bà Pamnella Devolder, Tham tán Thông tin - Văn hóa, Đại sứ quán Mỹ, sự kiện năm nay sẽ thu hút nhiều trường đại học Mỹ bằng hình thức trực tuyến để thúc đẩy hợp tác giáo dục hai nước.

Trao đổi với các trường ĐH tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Minh bạch rất cần thiết, tránh tình trạng ghép từ “quốc tế” vào tên gọi. Tất cả chương trình đào tạo liên kết quốc tế phải xứng với chất lượng, phải minh bạch để học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn đúng”.

Tới đây, việc công nhận tín chỉ giữa các trường đại học không chỉ thực hiện trong giai đoạn Covid-19 mà sẽ đẩy mạnh và công bố công khai việc công nhận tín chỉ trong thời gian sau này, để học sinh, sinh viên có thể tự tìm hiểu, đối chiếu.

Về hỗ trợ học sinh, sinh viên, đội ngũ giảng viên đang cần trở về Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các bên liên quan đều dang rất nỗ lực để thực hiện việc hỗ trợ này. Trong thời gian chờ đợi này, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở GDĐH linh hoạt, sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến để duy trì việc dạy học.

Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thông điệp của Bộ trưởng Bộ GDĐT, trong khuôn khổ Hội nghị, Trường ĐH VinUni và ĐH Cornell (đại học xếp hạng 14 trên thế giới theo bảng xếp hạng QS, thuộc nhóm các trường Ivy League của Mỹ) đã có sáng kiến ký kết hợp tác chương trình “Study Away”. Chương trình du học đặc biệt này dành riêng cho các sinh viên quốc tế của ĐH Cornell gặp khó khăn trong việc quay trở lại cơ sở trường tại Mỹ. Các sinh viên này sẽ được VinUni tiếp nhận, vừa tiếp tục học chương trình của Cornell trên nền tảng trực tuyến, vừa được học chương trình “Khám phá Việt Nam” tại VinUni.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục